Lượt xem: 499

Nông dân Sóc Trăng chủ động “canh mặn”

Theo Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sóc Trăng, độ mặn tại các cửa sông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã bắt đầu tăng dần từ trung tuần tháng 3 dương lịch; nhiều khả năng sẽ tiếp tục lấn sâu hơn vào nội đồng trong những tuần tới. Bên cạnh các giải pháp ứng phó đang được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai một cách đồng bộ thì tại nhiều địa phương trong tỉnh, hạn, mặn cũng trở thành câu chuyện thời sự rất được quan tâm và người nông dân cũng đã bắt đầu “canh mặn”.

    Ngay sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân sớm, hơn 01 hecta đất ruộng đã được ông Nguyễn Hồng Vấn ở ấp Phụng Tường 2, xã Song Phụng, huyện Long Phú tiến hành cải tạo để lên liếp trồng màu. Là một trong số rất nhiều nông dân trong huyện phải chịu cảnh mất trắng khi canh tác lúa vụ 3 vào thời điểm hạn mặn mùa khô năm 2015 - 2016; chuyển đổi cây trồng khi mặn bắt đầu tấn công được ông Vấn xem là giải pháp hữu hiệu nhất để ứng phó với hạn, mặn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo ông Vấn, trồng màu dưới chân ruộng vào mùa khô không chỉ hạn chế được thất thoát về năng suất mà nguồn nước phục vụ bơm tưới cũng có phần chủ động hơn. Ông Vấn chia sẻ: “Mình lên liếp trồng dưa hấu hoặc bắp cải này kia để có thu nhập trong mùa khô, ở đây gần kênh, giờ nước mặn xuất hiện là không làm lúa được. Lên liếp như vậy nếu nước mặn vô thì trữ nước ttrong mương lại sẽ không bị mặn tấn công. Mấy năm trước cũng có làm vụ 3, thấy mặn xâm nhập làm thất bát quá nên phải thay bằng cây trồng khác thôi”.


Nông dân trang bị máy đo độ mặn tại nhà.

 

    Còn với nông dân Hồ Văn Tư ở ấp Mỹ Tân, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách; hơn 02 công đất trồng cây ăn trái của gia đình ông cũng là khu vực thường xuyên bị nước mặn tấn công vào mùa khô hằng năm. Không còn bị động sau những kinh nghiệm từ 02 đợt hạn, mặn vừa qua; từ đầu mùa khô năm nay, ông đã đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm để đảm bảo lượng nước cung cấp cho cây trồng trong suốt mùa khô. Nguồn nước tưới chủ yếu được bơm lên từ kênh mương dự trữ trong vườn nên để đảm bảo an toàn, ông Tư còn trang bị thêm thiết bị đo đạc độ mặn, chủ động theo dõi độ mặn hằng ngày trước khi bổ sung nguồn nước cho vườn cây. Ông Tư chia sẻ : “Mùa khô năm rồi thiệt hại cũng hơn 50%. Rút kinh nghiệm nên năm nay vừa theo dõi thông tin trên báo, đài; vừa tự trang bị máy đo độ mặn cho chắc ăn hơn. Nhìn chung thì đến thời điểm này vườn cây rất an toàn, không bị thiệt hại gì hết”.

    Trong những ngày nắng nóng này, những chiếc điện thoại thông minh là phương tiện được nhìn thấy hằng ngày vào những buổi chuyện trò của nhiều nông dân tại huyện Kế Sách. Cũng sử dụng mạng xã hội nhưng không phải để nhắn tin hay phục vụ cho mục đích cá nhân nào khác mà là để theo dõi thông tin độ mặn tại khu vực hằng ngày, hằng giờ. Một nhóm riêng để “bàn luận” về hạn, mặn đã được thiết lập với hơn 500 thành viên gồm cán bộ nông nghiệp từ cấp huyện đến cấp xã cùng đông đảo nông dân trên địa bàn. Những số liệu đo đạc được cung cấp nhanh và liên tục cho người dân trong ấp, số liệu đo được tại mỗi ấp sẽ tiếp tục được tổng hợp và đưa về nhóm  “Thông tin hạn, mặn” chung của huyện. Nhờ sự liên kết này mà bà con tại Kế Sách đã có sự chủ động hơn trong việc bơm xả nước khi độ mặn lên cao hay tích trữ nước ngọt khi độ mặn đạt dưới ngưỡng cho phép. Nông dân Huỳnh An Khương ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành, huyện Kế Sách cho biết thêm: “Thông tin mặn đến với bà con rất nhanh và chính xác bởi vì được đo ngay tại địa phương, tại khu vực mình canh tác luôn. Chứ lúc trước theo dõi số liệu quan trắc của Phòng Nông nghiệp và Phát triên nông thôn huyện thì người ta chỉ đo tại thị trấn hoặc các xã khác thôi, mà độ mặn thì mỗi nơi, mỗi thời điểm là nó sẽ  khác nhau rồi. Ví dụ tại thị trấn độ mặn lúc đó là 2 phần nghìn,  trong khi cùng thời điểm ở Kế Thành có 1 phần nghìn thôi, nếu nông dân cứ xem theo thông tin độ mặn ở thị trấn thì đâu có dám lấy nước vô”.


Người dân cập nhập kịp thời thông tin độ mặn thông qua tin nhắn trên zalo. 

    Công tác ứng phó hạn, mặn tại Sóc Trăng đã có sự tiến bộ hơn từ sau 02 đợt hạn, mặn vừa qua. Tuy nhiên, những ảnh hưởng nghiêm trọng mà hạn, mặn gây ra vẫn là nỗi lo lắng “phập phồng” của hầu hết bà con có sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp. Chính vì vậy mà bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chuyên môn trong các giải pháp ứng phó thì ý thức chủ động từ chính nông dân sẽ là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo những vụ mùa an toàn ngay trong giai đoạn hạn, mặn khắc nghiệt vào cao điểm mùa khô; góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Sóc Trăng phát triển một cách bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 82
  • Hôm nay: 6382
  • Trong tuần: 73,702
  • Tất cả: 11,857,891